Những ngày đầu tiên của tháng 4/2025, cả thế giới “sôi sục” trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách áp dụng mức thuế bổ sung cao hơn 10% cho hàng loạt quốc gia. Trong danh sách bị áp thuế mới, Việt Nam chịu mức “đối ứng” tăng vọt – 46% – một động thái làm dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm sức cạnh tranh, nhất là khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ lâu nay luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của nước ta. Khó khăn là hiện hữu, nhưng cũng là cơ hội để doanh nhân trẻ “vững tay chèo”, bứt phá vươn lên mạnh mẽ.
Theo Dữ liệu thống kê về kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam từ Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê, Bộ Tài chính) cho hay, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu gần 120 tỉ USD vào Mỹ, tăng 23,2% (tương ứng tăng tới 22,48 tỉ USD) so với năm trước và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với các nhóm ngành ghi nhận thặng dư thương mại tích cực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt, may; điện thoại; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; chất dẻo; thủy sản; túi xách, ví, vali; đồ chơi, dụng cụ thể thao; sắt thép; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; hạt điều, dây điện và dây cáp điện…
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2025 đạt 19,6 tỉ USD, tăng 16,5%, tương ứng tăng 2,77 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói, Mỹ vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua khi đây được đánh giá là thị trường tiêu dùng lớn, nhu cầu cao. Chính vì vậy, khi chính sách thuế mới của Washington được công bố hứa hẹn kéo theo không ít thách thức, nhất là đối với những mặt hàng từng có ưu thế so với các quốc gia khác.

Trước tình hình đó, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giữ vững đà tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 tại phiên họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành ngay sáng 03/4 – đặt ra nhiều áp lực cho cộng đồng doanh nghiệp. Khảo sát của các hiệp hội ngành hàng cho thấy, cùng với sức ép thuế quan, nhiều doanh nghiệp có thể đối mặt với khả năng sụt giảm hoặc trì hoãn đơn hàng. Về lâu dài, nếu không có phương án điều tiết và thích ứng, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thương mại và đà tăng trưởng nói chung.
Trong nỗ lực tạo “tấm lá chắn” cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP (ngày 31/3/2025), tập trung ưu tiên các biện pháp hỗ trợ từ khía cạnh tài chính, thuế và tín dụng. Nội dung cụ thể được công bố chính thức bao gồm việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn, gia hạn thời hạn nộp thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, cũng như thúc đẩy gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư vào đổi mới công nghệ.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Chính phủ ngày 03/4/2025 cũng thể hiện rõ quan điểm “chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống”. Điều này không chỉ nhấn mạnh yêu cầu cải cách hành chính và rút ngắn thủ tục, mà còn đề cao việc kết nối các bộ, ngành để đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Kinh nghiệm thực tế từ các FTA trước đây – như EVFTA hay CPTPP – cho thấy nếu doanh nghiệp Việt chủ động tận dụng, xuất khẩu hoàn toàn có thể “bù đắp” một phần thiệt hại ở thị trường Mỹ thông qua những thị trường khác có thuế suất ưu đãi hơn. Hơn thế nữa, các chương trình xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh ở nhiều thị trường “mở” như EU, Trung Đông và châu Phi; cùng thị trường truyền thống như Trung Quốc… cũng hứa hẹn tạo cơ hội “bù đắp” kim ngạch sụt giảm tại Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh ấy, doanh nhân trẻ là lực lượng tràn đầy năng lượng và tư duy sáng tạo, cần phát huy vai trò “đầu tàu” trong đổi mới mô hình kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp trẻ đang thành công trong việc tích hợp chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý chuỗi cung ứng, quản trị tài chính, marketing và chăm sóc khách hàng toàn cầu. Động thái này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo “khoảng đệm” an toàn hơn trước những biến động về thuế quan.
Mặt khác, để chinh phục các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hàng hóa là hướng đi không thể thiếu. Doanh nghiệp dệt may cần chú trọng chứng nhận lao động, cải thiện điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế; doanh nghiệp nông – thủy sản tiếp tục đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng khắt khe hơn. Đây chính là cơ hội để “thương hiệu Việt” không còn phụ thuộc hoàn toàn vào ưu thế giá nhân công rẻ, mà vươn lên khẳng định giá trị gia tăng, đạt những tiêu chuẩn vượt trội, đón nhận nhóm khách hàng sẵn sàng trả giá cao.
Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng không thể xem nhẹ. Theo khảo sát của nhiều tổ chức tư vấn nhân sự, doanh nghiệp Việt đang thiếu trầm trọng đội ngũ quản trị viên và chuyên gia kỹ thuật có khả năng tiếp nhận công nghệ mới, quản lý chuỗi cung ứng đa kênh hay phân tích thị trường nước ngoài. Trong giai đoạn 2025-2030, khi nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn, “đầu tư vào con người” sẽ là quyết định khôn ngoan, xây nền tảng cho việc sản xuất bền vững, vượt qua thăng trầm ngắn hạn.
Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trẻ và các nhà đầu tư quốc tế, tổ chức tài chính, hiệp hội ngành hàng cũng không thể thiếu. Một mặt, các “ông lớn” FDI tại Việt Nam đã sẵn sàng liên kết, chuyển giao công nghệ, gia tăng “tỷ lệ nội địa hóa” cho chuỗi cung ứng. Mặt khác, những hội chợ xúc tiến thương mại tại EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông hay châu Phi có thể là “cầu nối” để hàng hóa Việt Nam giành thêm khách hàng mới. Quan trọng hơn hết, khi đã mở rộng đa dạng thị trường, doanh nghiệp sẽ vơi bớt nỗi lo phụ thuộc duy nhất vào Mỹ, qua đó chủ động hạn chế “cú sốc” thuế quan trong tương lai.
Có thể thấy, “cơn bão” thuế quan từ Hoa Kỳ đã và đang gây ra những thử thách không nhỏ cho Việt Nam, nhưng đồng thời tạo ra động lực để chúng ta thúc đẩy tái cấu trúc và đa dạng hóa. Doanh nhân trẻ, với lợi thế nhanh nhạy và tinh thần dấn thân, là lực lượng tiên phong đưa sản phẩm và dịch vụ Việt Nam vươn tới những thị trường mới, bù đắp phần nào suy giảm ở thị trường truyền thống. Khi chính sách của Nhà nước và nỗ lực thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp cộng hưởng, mục tiêu GDP 8% năm 2025 không chỉ dừng ở tham vọng, mà hoàn toàn có cơ sở để trở thành hiện thực.
Từ những số liệu chính thức đến các động thái chính sách rõ ràng, bức tranh hiện thời cho thấy khó khăn là có, nhưng triển vọng cũng đủ sáng để khơi dậy quyết tâm. Sự đồng lòng của Chính phủ và doanh nghiệp, trong đó có doanh nhân trẻ là chìa khóa đưa Việt Nam vượt qua “bão thuế” và tiếp tục viết tiếp câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ, hội nhập toàn cầu, vững bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Búa Liềm